“Vua hầm” Hồ Minh Hoàng: Cần công bằng với BOT chân chính

CEO Hồ Minh Hoàng-Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Báo Giao thông nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

vua-ham-deo-ca-2

CEO Hồ Minh Hoàng

Kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò với sự phát triển của đất nước, ông có thể chia sẻ gì về điều này?

Kinh tế tư nhân đã và đang đóng góp vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Đảng và Nhà nước cũng liên tục nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân. Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nâng vị thế của doanh nghiệp.

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả của CEO Hồ Minh Hoàng hiện đang triển khai hàng loạt dự án BOT hầm trọng điểm trên cả nước: hầm đường bộ Đèo Cả (khánh thành đưa vào khai thác từ cuối tháng 8/2017), hầm Cù Mông (Bình Định), mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2. Đặc biệt từ công trình hầm Đèo Cả, lần đầu tiên người Việt đã làm chủ công nghệ thi công hầm, khẳng định vai trò, vị thế của người Việt.

Bản thân các doanh nghiệp chúng tôi cũng nỗ lực sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn lực để tham gia đầu tư vào các lĩnh vực cấp thiết. Rõ ràng, trong bối cảnh ngân sách hạn chế, Nhà nước kêu gọi vốn tư nhân thông qua hình thức BOT là giải pháp đột phá, hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, mở rộng đường xá, đặc biệt tuyến huyết mạch QL1, giải tỏa “điểm nghẽn” giao thông đường đèo… Trước bối cảnh không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia các dự án BOT giao thông, nếu không có sự chủ động, tích cực vào cuộc của doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ khó có thể thực hiện thành công chủ trương lớn này.

Tuy nhiên, BOT đang đứng trước nhiều áp lực lớn, kể cả định kiến, là một nhà đầu tư BOT, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Bên cạnh đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, ATGT… không phủ nhận vừa qua một số dự án BOT vẫn bộc lộ một số khiếm khuyết, nhất là với các dự án thu giá theo lượt (thu phí hở-NV), tác động trực tiếp đến người dân khu vực trạm thu phí. Vấn đề suất đầu tư, tổng mức đầu tư, quy mô dự án, đường độc đạo… cũng là bất cập gây phản ứng mạnh của người dân. Không có quyền lựa chọn, phản ứng của người dân là có cơ sở. Nhưng nếu đánh đồng tất cả BOT là xấu thì vô hình chung ảnh hưởng đến các nhà đầu tư BOT chân chính.

vua-ham-deo-ca

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên CEO Hồ Minh Hoàng và CBCNV Đèo Cả trong lần thăm công trình hầm lúc thi công. Ảnh ĐC

Như với dự án Đèo Cả, đây là dự án để kết nối vào cao tốc, chúng tôi chọn mô hình độc đáo chứ không phải độc đạo. Nhà đầu tư đã kiến nghị phải sửa chữa đường đèo (hiện hữu) để cho người dân có sự chọn lựa. Người điều khiển phương tiện được chọn phương án đi đèo hoặc đi qua hầm. Đi trong hầm thì an toàn, nhanh chóng và giá cả phù hợp. Nếu không muốn trả phí, người dân có thể chọn đi đường đèo. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến là 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc chọn lựa hình thức vay vốn trong nước, nhà thầu trong nước kết hợp các giải pháp tiết giảm, Bộ GTVT đã cho rà soát, kéo giảm tổng mức đầu tư xuống khoảng 12.000 tỷ đồng. Các thông tin dự án công khai, minh bạch. Dự án huy động đến 30 chuyên gia, cố vấn am tường về các lĩnh vực đầu tư, BOT. Bản thân tôi cũng có cả chục năm nghiên cứu, triển khai BOT.

Theo ông, đâu là những rủi ro của đầu tư BOT?

Nhiều người nghĩ đầu tư BOT “ngon ăn” nhưng thực tế nhà đầu tư chúng tôi phải đối mặt với nhiều rủi ro khi chính sách không ổn định, nhất quán. Các Bộ Ngành đều có tổ chức thanh kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện nhưng không thấy ai đi thanh tra bất cập chính sách do mình ban hành. Chưa kể doanh nghiệp Việt có rất nhiều cái thua thiệt so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đầu tư BOT nước ngoài được nhà nước bảo lãnh rủi ro, tạo quỹ hỗ trợ, lợi nhuận lên đến 19%.

Ngay như ở Trung Quốc, doanh nghiệp nhận cơ chế ưu đãi rất rõ ràng của Chính phủ, từ lãi suất vay đến cơ chế cho vay bảo lãnh dự án (bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá). Còn doanh nghiệp Việt thì hầu như không được bảo lãnh gì, lãi suất ngân hàng cao… Nếu “đấu” với doanh nghiệp Trung Quốc chúng ta rất dễ bị loại hồ sơ. Bên cạnh đó, bản thân các Nhà đầu tư am hiểu về cách làm PPP, BOT không nhiều dẫn đến các cạnh tranh thường thiếu lành mạnh.

nghiem- thu-nha-nuoc-deo-ca-5

Hầm Đèo Cả gọi tên khát vọng Việt, lần đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ thi công hầm. Ảnh Xuân Huy

Chúng tôi sợ nhất cái nhìn thiếu công bằng, định kiến về BOT. Thực tế, thời gian qua nhiều người coi chúng tôi như “tội đồ”, kẻ cắp, chụp giật… Điều này khiến một số nhà đầu tư BOT nản lòng. Tôi cho rằng không thể chỉ vì một số hạn chế mà đánh đồng toàn bộ các dự án đều tiêu cực hay phủ nhận toàn bộ những thành quả của hình thức đầu tư này tạo ra thời gian qua. Trong khi những bất cập này đang được Đảng, Nhà nước, ngành chức năng rà soát, xử lý, chấn chỉnh, hoàn thiện thể chế tác đầu tư BOT, PPP, BT.

Đâu là các giải pháp để khắc phục những bất cập trên, theo ông?

Không còn cách nào khác là phải nhìn lại, sửa chữa các bất cập. Nhà nước cần tìm được nhà đầu tư có năng lực thật sự, cả về kinh nghiệm lẫn tài chính. Đồng thời cần tuyên truyền để người dân chia sẻ hơn, hiểu hơn về BOT.

Cái gì khiếm khuyết cùng nhau nhìn nhận, khắc phục và cái gì cần thay đổi cũng mạnh dạn xử lý. Chính sách BOT cần cởi mở hơn. Đừng quá kỳ thị việc chỉ định thầu. Nó không phải là hình thức hoàn toàn xấu. Tôi lấy ví dụ, nếu đấu thầu thì các nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc rất dễ trúng, lãi suất họ đưa ra thấp chỉ 5% thôi, doanh nghiệp trong nước cạnh tranh sao được. Nhưng mặt trái khi họ trúng thầu là  hàng loạt dự án chậm tiến độ, đội vốn… như thường thấy.

Thay vì vốn góp chủ sở hữu 15%, nên nâng mức này lên khoảng khoảng 25-30% hoặc hơn, để lựa chọn nhà đầu tư “đúng chất, đủ tầm”, giảm rủi ro. Khuyến khích Nhà đầu tư sử dụng nhân lực trong nước, tạo công việc cho người Việt Nam, đồng thời khuyến khích Nhà đầu tư kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư.

– Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, ông muốn chia sẻ điều gì với những doanh nhân trẻ?

Tôi muốn chia sẻ thông điệp: Chúng ta gặp khó rồi, hãy cùng nhau chia sẻ và vững tin vào sự thay đổi và thịnh vượng của đất nước trong thời gian tới. Bản thân chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng để có được nền tảng tri thức, tích lũy tài chính từ việc trực tiếp lao động, huy động nguồn lực xã hội bằng sự đoàn kết và chia sẻ công việc thông qua việc chuyên môn hoá.

Doanh nghiệp chúng ta có tính cần cù, sáng tạo và cũng thừa dũng cảm để đón tiếp các doanh nghiệp trên thế giới đến sân chơi của mình trên đất nước Việt Nam.

Xin cảm ơn ông! 

Theo Ngân Hà

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/vua-ham-ho-minh-hoang-can-cong-bang-voi-bot-chan-chinh-d228903.html