Những ngày này, trên công trường đã vắng bóng dáng của kỹ sư, công nhân và máy móc thiết bị… “Công trình đã thông xe kỹ thuật vào hôm nay 22-8, nên hết việc để làm rồi”, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả Lê Quỳnh Mai dí dỏm.
Về đích trước gần 1 năm
Đất trời Phú Yên mùa này thời tiết đỏng đảnh lắm. Mới xế trưa mà ở xa xa phía sau chân Đèo Cả mây đen đã đùn lên cao hơn núi. Chẳng mấy chốc bầu trời bắt đầu chuyển từ xanh ngắt sang xám rồi xám tro. Những đám mây đen nặng trịch bủa vây và ôm chầm lấy ngọn đèo cao sừng sững… Mưa nặng hạt ào xuống rồi lại qua nhanh như lúc xuất hiện. Bầu trời bừng sáng.
Từ văn phòng công trường dự án hầm Đèo Cả nhìn lên hai ống hầm tươm tất, tiến hành thông xe kỹ thuật và đưa vào sử dụng, ông Lê Quỳnh Mai chẳng mảy may lo lắng, khác hẳn gần 4 tháng trước, gặp ông tại lễ ký kết giữa chủ đầu tư và các đơn vị thi công để chạy đua nước rút 100 ngày về đích. “Những cơn mưa như bây giờ lại hay, rửa trôi đất đá, bụi bặm trên nền đường, cửa hầm và cả những tán cây rừng lâu ngày bị phủ bụi… thời gian, đem lại màu xanh hơn, công trình sạch sẽ và khang trang hơn”, ông Mai cười hiền khô, nụ cười của vị thủ lĩnh đã bám trụ công trường từ những ngày đầu “khai sơn phá thạch”.
Năm 1936, tại thôn Hảo Sơn dưới chân đèo Cả đã diễn ra sự kiện giao thông quan trọng, nối thành công mét ray cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc – Nam dài hơn 1.700km. Năm 2012, cũng tại Hảo Sơn, hầm Đèo Cả, công trình giao thông tầm vóc quốc gia cả về ý nghĩa lẫn quy mô chính thức được khởi công. Sau 5 năm với hàng ngàn ngày không ngơi nghỉ, đại công trình hầm Đèo Cả chính thức được đưa vào vận hành, đánh dấu mốc lịch sử mới của ngành giao thông quốc gia. Nếu trước đây phải mất cả giờ vượt đèo hiểm trở thì nay, nếu lưu thông qua hầm chỉ mất tối đa 10 phút. Ý nghĩa không chỉ ở việc tiết giảm thời gian, nhiên liệu, xóa đi những vụ tai nạn thương tâm, mà nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm công trình hầm Đèo Cả: “Dự án hầm Đèo Cả phải là động lực mới đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực”.
Bản lĩnh và trí tuệ người thợ hầm
Làm nên kỳ tích hầm Đèo Cả là tập hợp của những con người giàu nhiệt huyết, trí tuệ và sự cần mẫn. Họ có thể là kỹ sư, nhà tư vấn, giám sát hoặc chỉ là những công nhân bình dị. Khó có thể nói hết những cống hiến thầm lặng của họ. Ở đây, những kỹ sư mới ra trường may mắn được “thử vàng” ngay trên “chảo lửa” những ngày cao điểm. Trần Quốc Hùng (26 tuổi), tốt nghiệp kỹ sư ngành cầu đường Đại học Xây dựng Hà Nội, thạc sĩ tại Học viện Khoa học ứng dụng Lion (Pháp) chuyên ngành hầm và công trình cầu, về nước đầu quân tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả, phụ trách 1/2 gói thầu xây dựng hầm phía Bắc. Chàng kỹ sư có nụ cười trẻ thơ khá tự tin khi nói về chuyên môn: “Về mặt công nghệ thi công, hầm Đèo Cả so với các công trình hầm khác không mới. Quá trình thực tập tại Pháp tôi đã nắm chắc trình tự thi công các bước”. Trong khi đó, kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh (48 tuổi) quê Nam Định, là Giám đốc Ban điều hành gói thầu 1A2 và xây lắp 1/2 hầm phía Bắc đèo Cả đã có thâm niên về các công trình hầm thủy điện Hòa Bình, Ialy, hầm Hải Vân… thì tự hào nói về những kỹ sư Việt Nam: “Trước đây, làm hầm Hải Vân có các chuyên gia của Nhật, Hàn Quốc nhưng tới hầm Đèo Cả thì chỉ có người Việt thi công với công nghệ NAMT (Áo)”. Với bề dày kinh nghiệm từng thực hiện nhiều công trình giao thông lớn ở miền Trung, năm 2013, anh Huỳnh Duy Hùng (41 tuổi), quê Khánh Hòa, đang là trợ lý kỹ sư thường trú giám sát hầm Cổ Mã, sau là hầm Đèo Cả, chia sẻ: “Việc điều chỉnh quá trình thi công để 2 mũi khoan gặp nhau tại tâm có tính chất quyết định, bởi nếu sai số ngoài ngưỡng cho phép coi như thất bại”.
Hầm Cổ Mã thông kỹ thuật mà sai số chỉ 1cm đã là thành công rất lớn, đến hầm Đèo Cả dài hơn 4,1km mà khi thông hầm kỹ thuật sai số chỉ 2cm, đây là niềm tự hào to lớn của đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: “Nếu hầm Hải Vân sử dụng vốn ODA, do chuyên gia Nhật thực hiện thì hầm Đèo Cả do người Việt làm hoàn toàn, từ nhà đầu tư trong nước, nguồn vốn trong nước đến các nhà thầu thi công. Do vậy, hầm Đèo Cả đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của người Việt, chúng ta đã làm chủ được công nghệ làm hầm, đặt nền móng khởi đầu để phát triển các dự án hạ tầng giao thông Việt Nam”.
Viết tiếp khát vọng mở hầm
Là người con của Phú Yên luôn trăn trở với những khó khăn, kìm kẹp phát triển kinh tế địa phương chỉ vì giao thông trắc trở, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đèo Cả đã mang khát vọng táo bạo mở hầm xuyên núi. Khăn gói ra Bắc vào Nam, ông Hoàng đã tìm những người cùng chí hướng, cùng truyền khát vọng mở hầm để dệt lên mơ ước bao đời, bao người ở quê hương mình. Đó là hành trình dài, trúc trắc, song chưa bao giờ mất đi niềm tin, khát vọng trong người con “đất Phú” ấy. Sau khi giải quyết từng nút thắt, khơi thông được nguồn vốn, ông Hoàng đã “săn” hàng loạt chuyên gia đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm về làm cố vấn cho dự án. Hàng loạt kỹ sư giỏi được mời về làm ở các vị trí chủ chốt, các nhà thầu có kinh nghiệm đào hầm mở núi nhất nhì Việt Nam như Sông Đà 10, Lũng Lô… cũng được tập hợp.
Lấy tiêu chí an toàn, hiệu quả đi đầu, đồng thời với cách quản trị có phần “khác lạ” ở Công ty CP Đèo Cả, chủ dự án hầm đường bộ Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng, dự án đã đạt được nhiều kỳ tích ngoài mong đợi. Trong suốt quá trình thi công hầm với nhiều khâu như nổ mìn, phá đá, người lao động làm việc trong môi trường khắc nghiệt, rủi ro nhưng không xảy ra bất cứ tai nạn chết người hay sự cố đáng tiếc nào. Có một chi tiết khá thú vị nhưng ít ai biết, dự án hầm Đèo Cả ban đầu tổng mức đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng, sau khi nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế, dự án đã tiết giảm được hơn 3.600 tỷ đồng, để từ đây Công ty Đèo Cả đề nghị Bộ GTVT, Chính phủ cho phép làm hầm Cù Mông với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, hiện đang thi công vượt tiến độ. Từ hầm Đèo Cả đến hầm Cù Mông, nay đội quân thiện chiến của Đèo Cả, Hải Thạch lại vững vàng những bước chân đến với dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 (Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế) cũng đang được thi công thần tốc.
Theo Minh Khuê
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/viet-tiep-ky-tich-xuyen-nui-mo-ham-463149.html