Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Hầm đường bộ Đèo Cả – Ảnh: KHÁNH VY
Theo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, để đảm bảo an toàn PCCC, CNCH cho các phương tiện, hành khách trong lúc qua hầm, đơn vị đã đầu tư trên 50 tỉ đồng để trang bị các phương tiện và thiết bị phục vụ cho công tác giám sát và xử lý khi có sự cố xảy ra. Các trang thiết bị này sẽ giúp thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ) khi cần thiết. Ông Trần Đại Xuân, Giám đốc Xí nghiệp quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì hầm đường bộ Đèo Cả (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả), cho biết: “Trong công tác quản lý hầm, bao gồm công tác vận hành và công tác PCCC, CNCH thì PCCC là quan trọng nhất vì nó liên quan đến đảm bảo tính mạng con người, cũng như đảm bảo tài sản, phương tiện khi lưu thông qua hầm. Đặc biệt, hầm đường bộ Đèo Cả là một dự án có quy mô lớn nên việc trang bị các phương tiện, thiết bị phức tạp, hiện đại đã được chuẩn bị từ trước…”.
Với 4 xe chữa cháy, 2 xe cứu hộ giao thông, 2 xe cứu thương, 1 xe bán tải chỉ dẫn giao thông, hàng chục camera giám sát giao thông, hàng trăm bình chữa cháy xách tay, hệ thống cấp nước…, hàng trăm nhân viên vận hành hầm đường bộ Đèo Cả đã được đào tạo chuyên nghiệp, giúp đơn vị chủ động giải quyết kịp thời các sự cố cháy, nổ, CNCH nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC. “Trước khi thông xe, đưa dự án đi vào hoạt động an toàn, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH của công an hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức diễn tập chữa cháy và CNCH tại hầm đường bộ Đèo Cả”, ông Xuân cho biết thêm. Trung tá Đào Thế Hải, Phó Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: “Theo quan điểm cá nhân, tôi đánh giá rất cao lực lượng PCCC ở cơ sở hầm đường bộ Đèo Cả. Việc triển khai giả định các tình huống cháy nổ, công tác CNCH được thực hiện khẩn trương với vốn tác chiến kỹ thuật đảm bảo theo yêu cầu. Vì vậy, kết quả buổi diễn tập đạt loại tốt…”.
Hầm đường bộ Đèo Cả được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 80km/giờ với 4 làn ô tô, hai làn dừng xe khẩn cấp. Dự án đi vào hoạt động đảm bảo giao thông thuận lợi giữa miền Trung và khu vực phía Nam; kết nối hai khu kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đảm bảo an toàn PCCC cho người và phương tiện lưu thông qua hầm là mục tiêu được đặt lên hàng đầu hiện nay. Theo Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng, từ lâu công ty đã có lực lượng chuyên nghiệp từ Công ty Hamadeco ở Đà Nẵng đang quản lý và khai thác Hầm đường bộ Hải Vân nên công ty đã đưa một lực lượng cơ hữu từ Khánh Hòa và Phú Yên ra để học tập và làm việc tại hầm Hải Vân. Đồng thời đưa cả một lực lượng quản lý, vận hành đã có kinh nghiệm làm việc tại hầm Hải Vân về Phú Yên. Hiện nay, công ty đã sử dụng hơn 100 nhân viên được đưa về từ hầm Hải Vân để đảm bảo cho công tác vận hành được xuyên suốt.
Theo KHÁNH VY – NHÃ UYÊN
Nguồn: http://www.baophuyen.com.vn/141/187020/ham-duong-bo-deo-ca–dam-bao-cong-tac-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho.html